Sẵn sàng đào tạo, cấp giấy phép lái xe số tự động

1
Người học lái xe số tự động sẽ nhàn hơn so với học lái xe số sàn – Ảnh: Tiến Mạnh

Tổng cục Đường bộ VN và các Sở GTVT, trung tâm đào tạo, sát hạch đang gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất và hoàn thiện nội dung, chương trình để bắt đầu đào tạo, cấp GPLX số tự động từ ngày 1/1/2016. Nhiều người học đang chờ đợi từng ngày để được đăng ký, nộp hồ sơ.

Bổ sung bài thi ghép ngang

Theo ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN), hiện Tổng cục đã trình Bộ GTVT bộ quy chuẩn mới về nội dung chương trình đào tạo lái xe, trong đó có việc xây dựng nội dung chương trình đào tạo lái xe số tự động (hạng B1). Hiện Tổng cục Đường bộ VN đã có văn bản yêu cầu các Sở GTVT chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện, con người để có thể triển khai từ ngày 1/1/2016. Đồng thời, các đơn vị cũng tiến hành lắp thiết bị chấm điểm tự động trên ô tô sát hạch và sửa sân sát hạch để phục vụ bài sát hạch ghép xe ngang vào nơi đỗ đối với cả hạng B1, B2 để đến ngày 1/4/2016 có thể thực hiện nội dung sát hạch xe số tự động và cấp GPLX số tự động đầu tiên.

“Từ ngày 1/1/2016, các trung tâm đăng ký đào tạo lái xe số tự động có thể tiếp nhận hồ sơ, tổ chức đào tạo và đến tháng 4/2016 thực hiện việc sát hạch, cấp GPLX hạng B1 (số tự động). Để thực hiện đào tạo lái xe số tự động, các trung tâm đào tạo – sát hạch sẽ phải đầu tư phương tiện, biên soạn giáo án theo chương trình đã quy định và sửa sân để thêm nội dung ghép ngang. Nội dung đào tạo – sát hạch “ghép ngang” – tức cho xe đỗ song song với vỉa hè, có xe chặn trước và sau – là một nội dung mới được bổ sung cho cả chương trình đào tạo lái xe số sàn lẫn số tự động nhằm nâng cao kỹ năng cho người học. Đây là một kỹ năng rất cần thiết với người lái xe, nhất là khi tham gia giao thông ở các đô thị”, ông Quân nói.

Bằng lái xe ô tô số tự động sẽ được cấp riêng cho người có nhu cầu cấp bằng hạng B1, nhưng chỉ điều khiển các loại ô tô số tự động. Người học được lái xe chở người đến 9 chỗ ngồi và ô tô tải dưới 3,5 tấn, không kinh doanh vận tải.

Chương trình đào tạo lái xe số tự động sẽ được rút ngắn 80 giờ học so với nội dung đào tạo lái xe số sàn. Cụ thể, toàn bộ thời gian học số tự động sẽ chỉ còn 476 giờ, trong đó 136 giờ học lý thuyết vẫn được giữ nguyên nhưng phần thực hành được rút ngắn từ 420 giờ xuống còn 340 giờ, giảm 80 tiết học và tương đương 12 ngày học.

Theo ông Quân, số giờ học thực hành giảm xuống do học xe số tự động không có nội dung lái xe tải. Bên cạnh đó, một số thao tác cũng đơn giản hơn so với số sàn. Chẳng hạn như nếu học số sàn thì bài thi “Dừng xe, khởi hành trên dốc lên” thường gọi là “đề pa lên dốc” sẽ khó hơn, nhất là với phụ nữ nhưng nếu là số tự động, điều này đơn giản hơn. Lý do là xe số tự động chỉ cần thao tác phanh và ga để dừng và đi lên dốc còn xe số sàn, phải thực hiện nhiều thao tác như: Phanh – nhả côn – nhả phanh rồi để cho xe tự bò lên dốc nên khi thi xe số sàn, học viên thường hay để xe chết máy, trôi dốc. Cùng đó, học viên học xe số tự động không cần phải tập thuần thục kỹ năng sang số, đạp – nhả côn phanh vốn mất rất nhiều thời gian bởi xe số tự động không cần những thao tác này.

“Học số tự động sẽ dễ hơn, nhàn hơn. Tuy nhiên đối với người học lái xe, số “giờ bay” rất quan trọng để hình thành kỹ năng. Chính vì vậy, người học lái xe số tự động cần sự nghiêm túc khi học, tránh việc thấy học lái xe số tự động dễ hơn mà lơ là, rút ngắn “giờ bay”. Nếu lười một chút, ảnh hưởng lâu dài, gây nguy hiểm cho chính bản thân và xã hội”, ông Quân khuyến cáo.

2
Dự kiến học phí lái xe số tự động sẽ do cá trung tâm đào tạo quy định dưới sự quản lý của nhà nước – Ảnh: Tiến Mạnh

Chờ đợi từng ngày để học lái xe số tự động

Để đáp ứng nhu cầu về đào tạo lái xe số tự động, hiện đã có hơn 10 trung tâm đào tạo lái xe trên cả nước rục rịch đầu tư phương tiện để tham gia đào tạo lái xe số tự động. Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh), đơn vị đầu tiên đề xuất thực hiện việc đào tạo lái xe số tự động cho biết: “Hiện chúng tôi đã đầu tư 10 xe số tự động để đào tạo và sát hạch. Có thêm loại hình đào tạo này ngoài việc đáp ứng nhu cầu có thực của một bộ phận người dân cũng là điều kiện để các trung tâm gia tăng thêm dịch vụ”.

Cho biết dự kiến mức học phí đào tạo lái xe số tự động, ông Toản cho rằng: “Để mua một xe số tự động phục vụ cho đào tạo số tự động cũng mất 400 – 500 triệu. Xe sát hạch sẽ vào khoảng 600 – 700 triệu, đó là chưa tính đến một số chi phí khác như: Sửa sân, biên soạn lại giáo án, tập huấn… Do chi phí đầu tư xe số tự động cao hơn nên dù chương trình có giảm xuống nhưng mức học phí cũng khó thấp hơn so với số sàn. Như tính toán của chúng tôi, với mức đầu tư như vậy, học phí đào tạo số tự động sẽ vào khoảng 6 – 6,5 triệu đồng/học viên là hợp lý”.

"Học phí đào tạo lái xe sẽ do các trung tâm xây dựng và đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt trước khi thực hiện. Tổng cục Đường bộ VN đã yêu cầu các Sở GTVT kiểm tra, giám sát việc xây dựng mức học phí phù hợp, không để các đơn vị tự ý thu cao hơn mức mặt bằng hiện tại", ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN).

Ông Trần Hoàng Giang, Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe Học viện An ninh nhân dân (C500) cũng cho biết, hiện trung tâm đã đầu tư một số phương tiện để sẵn sàng đào tạo lái xe số tự động. Hà Nội được coi là nơi có nhiều xe số tự động nên chúng tôi đã tính toán để đón bắt nhu cầu này ngay khi quy định cho phép đào tạo có hiệu lực.

Nói về mức học phí đào tạo loại GPLX này, ông Giang cho biết, điều đó còn tuỳ thuộc vào sự tính toán, địa hình và khoảng cách sân tập cũng như yêu cầu của mỗi trung tâm. Tuy nhiên, dù có mức đầu tư ban đầu cao hơn nhưng chắc chắn mức học phí cũng chỉ ngang với loại GPLX hạng B2 vì đây thực ra chỉ là một dịch vụ gia tăng để tận dụng thêm cơ sở vật chất và nhân lực sẵn có. Cũng theo dự đoán của ông Giang, với sự đơn giản và tiết kiệm thời gian hơn so với học lái xe số sàn, chắc chắn sẽ có nhiều người học hưởng ứng, tham gia.

Về phía người học, đến thời điểm này đang có rất nhiều người, đặc biệt là phụ nữ mong chờ được đào tạo lái xe số tự động. Chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1981, tại Khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Khi nghe tin sắp có đào tạo xe số tự động, dù đã mua xe và định đi học lái nhưng tôi vẫn cố chờ để khi có chương trình đào tạo số tự động thì mới đăng ký học vì chương trình đơn giản hơn. Chị em phụ nữ chúng tôi nếu có lái xe thì chắc cũng chỉ lái xe số tự động chứ lái xe số sàn thì vất lắm”.

Cùng tâm lý mong chờ đến ngày nộp hồ sơ học lái xe số tự động, chị Đào Ngọc Đông (Nghĩa Tân, Hà Nội) chia sẻ, từ khi nghe tin Bộ GTVT cho phép đào tạo lái xe số tự động nên đã chờ đợi từ nhiều tháng nay. “Khi trung tâm cho nộp hồ sơ đào tạo số tự động là tôi học ngay”, chị Đông nói. 

Tiến Mạnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *